Ở đâu có hoạt động kinh doanh thương mại thì ở đó có khả năng phát sinh tranh chấp. Việc giải quyết tranh chấp còn tuỳ thuộc vào phong tục, tập quán và trình độ phát triển của mỗi quốc gia trên thế giới.
Nhìn chung cho đến thời điểm hiện tại, có 4 loại hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh chính là:
Tố tụng trọng tài là hình thức giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua hoạt động của Trọng tài viên, với tư cách là bên thứ ba độc lập được lựa chọn bởi 2 bên tranh chấp. Trọng tài sẽ giải quyết 1 tranh chấp bằng cách đưa ra một quyết định bắt buộc các bên tranh chấp phải thực hiện.
Hiện tại Việt Nam có 7 Trung tâm trọng tài với VIAC là trung tâm lớn nhất. Trung tâm trọng tài, khác với toà án, là tổ chức phi chính phủ, mang tính chất xã hội - nghề nghiệp. Các Trung tâm trọng tài không nằm trong cơ cấu của nhà nước.
Doanh nghiệp có thể thoả thuận việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức Trọng tài bằng một điều khoản trong các hợp đồng ký kết với các đối tác, nhân viên hay bất kì ai trong hoạt động kinh doanh của mình. Doanh nghiệp cũng nên lưu ý những tranh chấp nào có thể sử dụng trọng tài và điều khoản cần phải miêu tả rõ những gì.
Sau đây là giới thiệu tổng quát của Ezlaw về những ưu điểm của việc sử dụng trọng tài trong các tranh chấp thương mại.
1. Sử dụng trọng tài giúp doanh nghiệp xử lý tranh chấp nhanh chóng hơn toà án.
Khi sử dụng trọng tài, phán quyết của trọng tài là quyết định chung thẩm, có hiệu lực thi hành và 2 bên không được kháng cáo. Nguyên tắc này xuất phát từ bản chất của trọng tài là nhân danh ý chí và quyền định đoạt của các bên thì 2 bên phải phục tùng quyết định của người đó. Trong khi toà án có nhiều cấp xét xử từ sơ thẩm tới phúc thẩm, thậm chí giám đốc thẩm và tái thẩm. Điều này kết hợp với việc tố tụng toà án phải tuân thủ các quy định, thủ tục nghiêm ngặt và toà án phải giải quyết nhiều tranh chấp cùng một lúc thường gây ra việc kéo dài thời gian xét xử cũng như chi phí cho doanh nghiệp.
Quy trình của tố tụng Trọng tài cũng linh hoạt cho thời gian và lịch làm việc của các bên và năng động hơn so với toà án do trọng tài chỉ chịu sự điều chỉnh của quy định của từng Trung tâm và Luật Trọng tài thương mại 2010.
2. Quyền lựa chọn của 2 bên tranh chấp
Trung tâm trọng tài và Trọng tài viên do các bên tranh chấp lựa chọn và trọng tài viên được lựa chọn sẽ bầu Chủ tịch HĐTT. Do vậy các bên có cơ hội lựa chọn những trọng tài viên là chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm dày dạn trong các lĩnh vực đặc thù như Xây dựng, Hàng hải, Thanh toán QT, Sở hữu trí tuệ, Bảo hiểm, Đầu tư v.v. Trong khi tại tòa án, Thẩm phán do Tòa chỉ định và thường không phải là chuyên gia trong các lĩnh vực có tính chuyên môn cao và đặc thù.
Ngoài ra, nếu tranh chấp có yếu tố quốc tế, thì các bên có quyền thoả thuận chọn tổ chức trọng tài, địa điểm, tiếng dùng trong xét xử và luật áp dụng. Trong khi toà án Việt Nam chỉ có thể xét xử theo tiếng Việt và luật Việt Nam.
3. Tính bảo mật
Hầu hết các quy định pháp luật về Trọng tài của các quốc gia đều thừa nhận nguyên tắc xử kín nếu các bên không có thoả thuận nào khác. Xét xử tại toà án ngoài mục đích bảo vệ quyền lợi của đương sự mà còn có ý nghĩa giáo dục việc tuân theo pháp luật. Do vậy hầu hết các phiên toà đều được công khai, bản án được công bố rộng rãi.
Đây là một ưu điểm quan trọng của trọng tài bởi các doanh nghiệp không muốn chi tiết của các vụ tranh chấp bị đem ra công khai trước toà án, tối kỵ đặc biệt khi có sự tham gia của truyền thông và người dân và khi có liên quan tới các thông tin mật của doanh nghiệp. Việc bảo đảm bí mật của trọng tài cũng sẽ tránh cho các bên nguy cơ làm tổn thương đến mối quan hệ hợp tác làm ăn vốn có, trong khi đó việc xét xử công khai tại toà thường làm cho các bên rơi vào thế đối đầu nhau và một bên được coi như là người chiến thắng còn bên kia là thua cuộc.
4. Phán quyết của Trọng Tài
Phán quyết trọng tài tại Việt Nam có thể yêu cầu được công nhận và thi hành tại nước ngoài nếu đó là quốc gia thành viên của Công ước New York 1958 (có trên 120 thành viên). Trong khi bản án của tòa án Việt nam chỉ có thể được công nhận và thi hành tại số ít quốc gia đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam.
Tại Việt Nam, tỷ lệ giải quyết tranh chấp thương mại tại toà án lớn hơn tỷ lệ sử dụng trọng tài rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng dùng pương thức trọng tài để giải quyết tranh chấp chưa có nhiều tại Việt Nam, trong đó nguyên do công tác tập huấn về trọng tài còn thiếu, nhận thức về trọng tài nói riêng và pháp luật nói chung của doanh nghiệp, đối tượng thường xuyên gặp tranh chấp, còn hạn chế. Các bạn có thể xem bài viết của luật sư Trần Vũ Hải phân tích văn hoá này của luật sư tại đây.
Ezlaw hy vọng rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là các bạn khởi nghiệp, nên cân nhắc sử dụng hình thức trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại của mình vì những ưu điểm trên.
Xem những điều khoản nên có khác trong thoả thuận giữa các thành viên sáng lập của startup/khởi nghiệp tại đây.
Ezlaw hy vọng rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là các bạn khởi nghiệp, nên cân nhắc sử dụng hình thức trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại của mình vì những ưu điểm trên.
Xem những điều khoản nên có khác trong thoả thuận giữa các thành viên sáng lập của startup/khởi nghiệp tại đây.
-------------------------
Vào 11 giờ 11 phút ngày 11 tháng 1 năm 2016, hệ thống hợp đồng điện tử và chữ ký trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức mở cửa.
Với hệ thống Ezlaw, người Việt Nam nay đã có thể tạo, gửi và ký các thỏa thuận dân sự, thương mại ngay trên máy tính, điện thoại hay máy tính bảng của mình.
Ezlaw không chỉ là giải pháp đảm bảo quyền lợi của mọi cá nhân trước pháp luật, mà còn là một giải pháp tạo niềm tin trong thời đại công nghệ số.
0 Nhận xét