Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng hệ thống đăng ký nhãn hiệu Madrid để đăng ký nhãn hiệu của mình tại 97 quốc gia thành viên (trong đó có những quốc gia lớn như Mỹ, Nhật, Anh, Hàn Quốc…). Hệ thống này được xây dựng trên cơ sở Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid. Trên thực tế, Nghị định thư Madrid được sử dụng để đăng ký nhiều hơn do, tính linh hoạt của nó trong một số điều khoản liên quan đến bảo hộ. Sau đây, Ezlaw xin giới thiệu về việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Nghị định thư Madrid:
Đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Nghị định thư Madrid là hình thức nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế được áp dụng đối với các nước là thành viên của Nghị định thư Madrid.
Người đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam và người đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam có quyền đăng ký quốc tế nhãn hiệu tương ứng theo Nghị định thư Madrid. Điều này có nghĩa rằng: Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký quốc tế theo Nghị định thư ngay sau khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam, mà không bắt buộc phải đợi đến thời điểm nhãn hiệu đó được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam.
Thời gian bảo hộ nhãn hiệu quốc tế là 10 năm. Sau thời hạn bảo hộ, chủ nhãn hiệu có thể làm mới lại đơn đăng ký.
Lưu ý rằng, khi đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tương ứng ở Việt Nam bị mất hiệu lực thì đăng ký quốc tế theo Nghị định thư cũng bị mất hiệu lực theo
Quá trình đăng ký nhãn hiệu theo Nghị định thư Madrid như sau:
Đầu tiên, chủ nhãn hiệu nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu trực tiếp cho cục sở hữu trí tuệ. Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư Madrid phải được làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.
Trong đơn, người nộp đơn ngay từ đầu cần phải chỉ định các nước thành viên của Nghị định thư Madrid mà người nộp đơn muốn nhãn hiệu được bảo hộ.
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có trách nhiệm chuyển đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu cho Văn phòng quốc tế của WIPO ở Thụy Sĩ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ tài liệu đơn hợp lệ theo quy định.
Sau khi nhận được đơn, Văn phòng quốc tế sẽ kiểm tra xem đơn có hay không đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư và Quy chế chung. Nếu đơn quốc tế đáp ứng các yêu cầu quy định, nhãn hiệu được ghi nhận vào Đăng bạ quốc tế và được công bố trên Công báo. Sau đó, Văn phòng quốc tế sẽ thông báo cho từng quốc gia được chỉ định yêu cầu bảo hộ.
Cơ quan đăng ký nhãn hiệu quốc gia của các nước được chỉ định sẽ tiến hành xét nghiệm nhãn hiệu trên cơ sở tiêu chuẩn bảo hộ theo qui định của luật nhãn hiệu nước mình sau khi nhận được thông báo của Văn phòng Quốc tế về yêu cầu bảo hộ đăng ký quốc tế tại nước họ.
Mỗi nước được chỉ định có quyền từ chối bảo hộ, việc từ chối được ghi nhận vào Đăng bạ quốc tế và được công bố trên Công báo và một bản sao được gửi cho chủ sở hữu đăng ký quốc tế. Bất cứ thủ tục nào sau đó, như xem xét lại hoặc khiếu nại, được tiến hành trực tiếp giữa chủ sở hữu và Cơ quan của Bên tham gia liên quan, còn Văn phòng quốc tế sẽ không liên quan đến các thủ tục đó.
*Lưu ý rằng: Trong trường hợp, người nộp đơn muốn bổ sung thêm các nước khác sau ngày nộp đơn quốc tế thì ngày bổ sung nước chỉ định sẽ được xem là ngày nộp đơn tại nước đó mà không phải là ngày nộp đơn quốc tế ban đầu
Việc đăng ký nhãn hiệu thông qua hệ thống Madrid chỉ phải nộp một đơn, bằng một ngôn ngữ, và chỉ phải nộp các khoản lệ phí cho một cơ quan. Đây là thủ tục tuyệt vời, mà các doanh nghiệp cần biết, để thay thế cho việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu riêng biệt cho từng nước khác nhau.
*Để kiểm tra danh sách các nước thành viên hệ thống Madrid, bạn có thể ấn vào ĐÂY
*Để tra cứu nhãn hiệu quốc tế thuộc hệ thống Madrid, bạn có thể ấn vào ĐÂY
-------------------------
Vào 11 giờ 11 phút ngày 11 tháng 1 năm 2016, hệ thống hợp đồng điện tử và chữ ký trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức mở cửa.
Với hệ thống Ezlaw, người Việt Nam nay đã có thể tạo, gửi và ký các thỏa thuận dân sự, thương mại ngay trên máy tính, điện thoại hay máy tính bảng của mình.
Ezlaw không chỉ là giải pháp đảm bảo quyền lợi của mọi cá nhân trước pháp luật, mà còn là một giải pháp tạo niềm tin trong thời đại công nghệ số.
0 Nhận xét