Dịch vụ của chúng tôi

header ads

4 cách giúp doanh nghiệp bảo vệ thông tin mật

4 cách giúp doanh nghiệp bảo vệ thông tin mật











Mỗi công ty đều có các bí mật kinh doanh, thông tin tuyệt mật về doanh nghiệp của mình. Những thông tin này có thể là bí quyết giúp doanh nghiệp vượt trội hơn các đối thủ cạnh tranh hoặc những thông tin quan trọng mà nếu như bị người ngoài biết có thể gây thiệt hại nghiêm trọng tới công việc kinh doanh. Nhiều trường hợp các thông tin bảo mật như vậy bị rò rỉ ra ngoài là do nhân viên của chính doanh nghiệp đó tiết lộ, đặc biệt là những nhân viên đã nghỉ việc.

Bí mật kinh doanh là gì?




Những ví dụ của bí mật kinh doanh hay thông tin bảo mật là công thức nước uống, thông tin tài sản của doanh nghiệp hay mã gốc của các phần mềm.

Về nguyên tắc, khi còn làm việc, người lao động bị ràng buộc nghĩa vụ với công ty dưới Hợp đồng Lao động cũng như các quy định của pháp luật. Tuy nhiên sau khi chấm dứt lao động, mối quan hệ giữa công ty và nhân viên đó chỉ đơn thuần là dân sự. Như vậy làm sao doanh nghiệp có thể yêu cầu nhân viên không được tiết lộ các thông tin bảo mật của mình?

Sau đây là 4 cách giúp doanh nghiệp đảm bảo việc bảo mật thông tin đối với lao động sắp thôi việc.

1. Thoả thuận bảo mật





Bộ luật lao động 2012 cho phép người sử dụng lao động ký kết thoả thuận về bảo mật (non-disclosure agreement) đặc biệt cho những nhân viên làm việc về kỹ thuật hoặc chuyên môn cao. Thoả thuận này ràng buộc nhân viên không được phép tiết lộ những bí mật kinh doanh, thông tin mật như được quy định trong thoả thuận đó, với bất kì bên thứ ba nào, kể cả khi đã thôi việc. Thoả thuận này cũng có thể đưa ra mức bồi thường hoặc xử phạt nếu như nhân viên vi phạm.

Điều khoản không cạnh tranh  (non-compete clause)
Tại nước ngoài, thường với những ngành nghề như luật, kế toán..., hợp đồng lao động còn có điều khoản không cạnh tranh. Ví dụ: luật sư này không được phép hành nghề luật trong phạm vi bang này trong vòng 2 năm tới.

Một mặt, có ý kiến cho rằng thoả thuận không cạnh tranh là một thoả thuận dân sự tự do giữa hai bên nhằm bảo vệ các bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trước nguy cơ bị tiết lộ khi nhân viên làm việc cho các đối thủ của mình.

Tuy nhiên, bộ luật Lao động Việt Nam 2012 hiện nay quy định một trong những quyền lợi của người lao động là được "Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử" nên các thoả thuận cấm người lao động làm việc hoặc hạn chế lĩnh vực làm việc sẽ có khả năng rất cao không được công nhận giá trị pháp lý tại Việt Nam.

2. Bảo vệ thông tin trong phạm vi nội bộ doanh nghiệp




Doanh nghiệp nên có các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa xâm nhập ngoài ý muốn đối với các thông tin bảo mật của mình như chứa đựng trong những nơi an toàn (két sắt, ngân hàng...) hay mã khoá các thông tin trên máy tính. Việc truy cập những thông tin này cho từng nhân viên cũng cần được quy định rõ trình tự. Ví dụ chỉ những nhân viên nào cần thiết sử dụng mới được phép truy cập và mỗi lần truy cập phải được ghi lại.

3. Phỏng vấn nhân viên trước khi thôi việc




Qua điều khoản trong hợp đồng lao động, doanh nghiệp có thể yêu cầu các nhân viên sắp thôi việc phải qua một kì phỏng vấn với người sử dụng lao động trước khi rời khỏi công ty. Trong cuộc phỏng vấn này, các công ty nên nhấn mạnh nghĩa vụ bảo mật những thông tin liên quan đến doanh nghiệp của mình với nhân viên đó và tìm hiểu về công việc mới của họ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên kiểm tra việc thu hồi hết các thiết bị hoặc tài liệu đã cung cấp cho nhân viên đó trong thời gian làm việc.

4. Thông báo cho các bên liên quan về việc nhân viên sắp nghỉ việc




Việc này thường được áp dụng cho các nhân viên chức vụ cao, có chuyên môn sâu trong một lĩnh vực hoặc đã nắm vị trí chủ chốt trong một bộ phận của công ty. Bạn có thể liên lạc tới khách hàng họ đã từng làm việc cho, các bên thứ ba hoặc ngay cả công ty mới của họ để thông báo việc ra đi cũng như thoả thuận bảo mật họ đã ký.

Việc cho công ty mới (đặc biệt nếu là đối thủ cạnh tranh) biết về thoả thuận bảo mật đã ký để tránh những lí lẽ sau này của họ nếu như họ có hành vi lôi kéo nhân viên đó tiết lộ những thông tin mật về doanh nghiệp của bạn.
Điều 41 Luật Cạnh tranh nghiêm cấm các doanh nghiệp sử dụng thông tin bảo mật của doanh nghiệp khác mà chưa có sự đồng ý của họ hoặc lừa gạt, lợi dụng lòng tin của con người để thu góp các thông tin bảo mật đó.


Ezlaw khuyên các doanh nghiệp nên soạn thảo và ký kết Thoả thuận bảo mật với tất cả các nhân viên của mình khi tuyển dụng để đảm bảo an toàn nhất cho các thông tin bảo mật của mình.


Hãy tạo ngay cho mình một bản Thoả thuận bảo mật với nhân viên theo mẫu của Ezlaw tại đây.




Nguồn:
Thời báo kinh tế Sài Gòn online

-------------------------

Vào 11 giờ 11 phút ngày 11 tháng 1 năm 2016, hệ thống hợp đồng điện tử và chữ ký trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức mở cửa.

Với hệ thống Ezlaw, người Việt Nam nay đã có thể tạo, gửi và ký các thỏa thuận dân sự, thương mại ngay trên máy tính, điện thoại hay máy tính bảng của mình.

Ezlaw không chỉ là giải pháp đảm bảo quyền lợi của mọi cá nhân trước pháp luật, mà còn là một giải pháp tạo niềm tin trong thời đại công nghệ số.

WWW.EZLAW.VN


www.ezlaw.vn

Đăng nhận xét

0 Nhận xét